Đoạn kết Chiến_tranh_Thanh–Miến

Tập tin:Blamindin bridge.PNGCầu Balamindin tại Myitkyina

Tại Bắc Kinh, Càn Long hoàng đế không hài lòng với bản hiệp ước, ông không chấp nhận giải thích của các tướng lĩnh Thanh rằng điều khoản thứ tư—trao đổi sứ thần đồng nghĩa với việc Miến Điện chấp nhận xưng thần và triều cống. Ông cũng không cho phép trao trả các thủ lĩnh Shan sawbwas cũng như các kẻ đào vong từ Miến Điện, và không cho phép buôn bán giữa hai nước.[42]

Tại Ava, vua Hsinbyushin cũng hết sức giận dữ vì các tướng nghị hòa mà không thông qua mình, và xé bỏ bản hòa ước. Biết rằng nhà vua nổi giận, các đạo quân Miến không dám trở về thủ đô. Thay vào đó, tháng 1 năm 1770, họ tiến đánh Manipur nơi một cuộc nổi loạn đã diễn ra, lợi dụng việc quân Miến không rảnh tay vì còn phải chống nhau với quân Thanh. Sau ba ngày giao tranh gần Langthabal, quân nổi dậy Manipur bị đánh bại, và thủ lĩnh (raja) của họ bỏ trốn đến Assam. Quân Miến đặt người thân họ lên ngai vàng, rồi quay về. Lúc này nhà vua cũng đã nguôi giận, vì chung cuộc thì quân Miến đã chiến thắng và bảo toàn ngai vàng cho ông. Tuy nhiên, nhà vua cũng buộc vị tướng lừng danh Maha Thiha Thura, người có con gái gả cho con trai của nhà vua và là thái tử Singu, mặc một bộ quần áo đàn bà và bắt ông cùng các tướng đày đi đến các xứ Shan. Nhà vua không cho phép họ được nhìn mặt mình, ngay cả các quan thượng thư xin cho họ cũng bị đưa đi đày.[43]

Mặc dù giao tranh chấm dứt, nhưng cuộc ngưng chiến rất mỏng manh. Không có bất kỳ điểm nào trong bản hòa ước được các phía tôn trọng. Vì phía Trung Hoa không giao lại các chúa mường phản loạn, phía Miến cũng không trả lại 2500 tù binh Thanh mà cho họ định cư ở lại. Nhà Thanh mất một số tướng lĩnh giỏi nhất thời đó, gồm Dương Ứng Cư, Minh Thụy, A Lý Cổn, và Phó Hằng (người sau này ngã bệnh chết năm 1770). Cuộc chiến tiêu tốn quốc khố nhà Thanh 9,8 triệu lạng bạc.[3] Dẫu vậy, Càn Long cũng vẫn cho quân đóng dọc biên giới vùng Vân Nam trong suốt một thập niên kế tiếp để chuẩn bị cho một cuộc viễn chinh nữa, trong khi vẫn cấm giao thương trong suốt hai thập kỷ.[12]

Phía Miến Điện trong nhiều năm cũng bận rộn với nguy cơ xâm lược từ Trung Hoa, và phải giữ một loạt các binh trại dọc biên giới. Tổn thất lớn lao từ cuộc chiến (so với tỷ trọng dân số) và nhu cầu canh giữ biên giới phía bắc khiến cho khả năng tiếp tục chiến sự tại chiến trường Xiêm của Miến Điện bị suy yếu. Phải mất 5 năm nữa Miến Điện mới có thể đưa một đoàn quân đi đánh Xiêm được.

Phải mất 20 năm nữa Miến Điện và Trung Hoa mới nối lại quan hệ vào năm 1790. Việc nối lại quan hệ này được trung gian bởi giới quý tộc Thái-Shan và các quan lại Vân Nam muốn tiếp tục giao thương. Miến Điện, dưới triều vua Bodawpaya, hiểu việc nối lại quan hệ này trên phương diện bình đẳng, và họ coi việc trao đổi sứ thần là một phần của nghi thức ngoại giao, chứ không phải phái đoàn triều cống. Tuy nhiên với triều đình Trung Quốc, tất cả các phái đoàn ngoại giao đều được coi là phái đoàn triều cống.[42] Càn Long xem việc nối lại quan hệ là biểu hiện triều phục từ phía Miến Điện, và đơn phương tuyên bố chiến thắng, ghi chiến dịch Miến Điện vào sổ Thập toàn võ công của mình.[12]